Việc các công ty xây dựng lấn sân sang địa ốc là chuyện tận dụng lợi thế của chính mình để nắm cơ hội thị trường. Tuy nhiên, trong đà phục hồi lần này đã bắt đầu xuất hiện những cái tên trái ngành hoàn toàn như nông nghiệp, vận tải, điện tử... tham gia vào cuộc chơi.
Đơn cử, mới đây nhất,tại đại hội cổ đông thường niên năm 2017 vừa diễn ra, HĐQT công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn khẳng định bắt đầu từ niên độ tài chính năm nay sẽ tạm dừng kinh doanh lĩnh vực cốt lõi ngay từ ngày đầu thành lập và chuyển dòng vốn đầu tư mạnh vào địa ốc.
Theo đó, ông Vũ Đức Tâm, Tổng Giám đốc SeaProdex Saigon cho biết, năm 2017 sẽ tạm dừng mảng thủy sản để tập trung vào việc cho thuê mặt bằng, kho bãi, kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính… Chỉ tiêu 2017 là 155 tỉ đồng doanh thu, lợi nhuận đạt 80 tỉ đồng.
Theo đó, trong thời gian tới công ty sẽ ký kết hợp tác đầu tư phát triển dự án số 6 Phạm Phú Thứ, quận Tân Bình. Mua nhà và diện tích đất tương ứng của tầng trệt, lửng, lầu 5, 6, 8 tại số 49 Pasteur và số 87 Hàm Nghi, quận 1. Bán cổ phần tại Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Sài Gòn.
Để chuyển hướng qua kinh doanh bất động sản, SeaProdex Saigon sẽ ký Hợp đồng hợp tác đầu tư trị giá 500 tỉ đồng với Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ và Xây dựng để tiếp tục phát triển dự án Centa Park tại 678 Âu Cơ, quận Tân Bình. Đây là dự án bất động sản có quy mô lớn nhất ở Tân Bình, với 4 block cao 33 tầng.
Ngoài ra, để có dòng vốn đầu tư mới SeaProdex Saigon sẽ phát hành 10 triệu cổ phiếu cho các cổ đông chiến lược. Mệnh giá phát hành không thấp hơn 15.000 đồng/cổ phiếu. Mục tiêu trong năm 2017, quỹ đất SeaProdex Saigon sẽ tăng hơn 6ha trong nội thành và tổng vốn hóa đạt 2.000 tỉ đồng. Đến năm 2020, SeaProdex Saigon dự kiến sẽ có 10ha đất sạch trong nội thành TP.HCM.
Cũng hoạt động khá mạnh trong ngành thủy sản, tại ĐHCĐ của CP Thủy sản Hùng Vương, lãnh đạo công ty khẳng định đang sở hữu một quỹ đất khoảng 10ha đất ở KCN Tân Tạo dự kiến xây nhà kho sản xuất. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại có thể quỹ đất này được tận dụng làm dự án BĐS.
Song song đó, dự án tại quận 6 sẽ không bán cho đối tác dù được trả giá 550 tỷ mà dự kiến sẽ rót vốn đầu tư dự án trung tâm thương mại - căn hộ cao cấp để gia tăng giá trị tài sản.
Một doanh nghiệp chuyên sản xuất giày dép như Bitis cũng tiết lộ thông tin về việc đầu tư căn hộ để tận dụng quỹ đất lớn của mình ở khu Tây TP.HCM. Dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư. Theo chia sẻ của lãnh đạo Bitis, hãng đầu tư bằng vốn sẵn có, không phụ thuộc quá nhiều vào việc đi vay.
Trước đó, một doanh nghiệp khác đi lên từ lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân bón nhưng cũng tuyên bố "rũ bỏ" ngành này để dồn toàn bộ lực cho thị trường BĐS. Theo đó, đại hội cổ đông thường niên năm 2017 của công ty CP Căn nhà mơ ước (DRH) đã thông qua một chiến lược kinh doanh quan trọng trong thời gian tới, trong đó DRH quyết tâm "giã từ" kinh doanh ngành phân bón.
Để chuẩn bị chuyển hướng, từ đầu năm 2016 đến nay, DRH liên tục công bố thông tin mua lại hàng loạt dự án bất động sản, như dự án Khu căn hộ phức hợp 177 Huỳnh Tấn Phát; Khu căn hộ cao tầng 277 Bên Bình Đông và dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Lộc An, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự kiến, trong năm 2017 này, một số dự án trên sẽ được DRH khởi công xây dựng. Mới đây nhất, hồi đầu tháng 3/2017, DRH đã triển khai xây dựng dự án D-Vela cao 20 tầng gồm 168 căn hộ tại đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7.
Về kế hoạch năm 2017, DRH vừa công bố đầu tư hai dự án mới là Terracotta Hill và Metro Valley với tổng mức đầu tư lên đến 835.6 tỷ đồng. Theo đó, cả hai dự án này sẽ góp đến 96% kế hoạch doanh thu của công ty, dự kiến mang về 492 tỷ đồng. Bên cạnh đó, DRH vẫn duy trì hoạt động đầu tư tài chính với kế hoạch doanh thu dự kiến là 4%, tương đương 20,2 tỷ đồng trong năm 2017.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng lĩnh vực BĐS Việt Nam nói chung, tại TP.HCM nói riêng luôn được đánh giá là kênh đầu tư luôn mang lại hiệu quả lợi nhuận cao.
Trong khi đó, quá trình hội nhập đã giúp thu hút khá nhiều nhà đầu tư lớn mạnh trên thế giới cùng làm dự án BĐS. Đặc biệt, trải qua cơn khủng hoảng kinh tế trước đây, nhiều doanh nghiệp đã trụ vững và nắm trong tay quỹ đất khá tốt, và đây là thời điểm thích hợp để họ đầu tư dự án.
"Những người đến sau chúng ta không thể gọi họ là không biết gì, trái lại họ đã quan sát kỹ thị trường, chuẩn bị nguồn vốn đủ mạnh và dựa vào quỹ đất tốt tích lũy hàng chục năm nay để bước vào thị trường. Do đó, có thể nói thị trường địa ốc chúng ta thời gian tới sẽ vô cùng đa đạng, phong phú các loại hình doanh nghiệp và dự án", ông Châu nói thêm.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm, thành phố có 15.492 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới, tổng vốn đăng ký gần 193.784 tỷ đồng. Nếu tính cả số doanh nghiệp thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh thì tổng vốn lên hơn 453.569 tỷ đồng; tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong cơ cấu nhóm doanh nghiệp vừa đăng ký thành lập mới 5 tháng qua, có đến 42,6% kinh doanh BĐS (gần 7.000 doanh nghiệp). Ngành xây dựng cũng chiếm hơn 15%. Còn lại là buôn bán, sửa chữa ôtô và xe máy, các ngành nghề khác.
Đăng Khải
Theo Trí thức trẻ